Tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”

::, Tin Tức - Sự Kiện::Tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”

Tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”

Tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”

Chiều 02/05/2019, tại phòng HB.305, Trường Đại học Sài Gòn đã diễn ra buổi tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”. 

Tham dự buổi lễ, về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là: PGS. TS Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Về phía chuyên gia và các đại biểu khách mời có sự góp mặt của: Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; PGS. TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP. HCM; PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM; GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Chuyên gia Văn hóa học và Ngôn ngữ học. Về phía Trường Đại học Sài Gòn, buổi lễ có sự tham gia của: PGS. TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn và đại diện các phòng, khoa của nhà trường.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về những vấn đề của giáo dục Việt Nam trong thời đại công nghệ. Phát biểu tại tọa đàm, PGS. TS Phan Thanh Bình cho biết, theo báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội, Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một đại biểu nhận định: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. Ông cho rằng, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang mang nặng tính đối phó, đồng thời đề xuất: “Giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hướng đến tiền, thành tích, không phải đối phó”.

Việc áp dụng những thành tựu mới về công nghệ trên thế giới vào dạy-học cũng được nhiều đại biểu lưu tâm. PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, cho biết từ năm 2009 Nhật Bản đưa robot dạy tiếng Anh trong nhà trường, Phần Lan tháng 3 vừa rồi cũng đưa robot dạy các thứ tiếng như tiếng Anh, Phần Lan và tiếng Đức ở trường phổ thông. Theo ông Hồng, “Công nghệ Thông tin làm giảm sự giao tiếp của con người, đề nghị có nghiên cứu thật tốt về trường phổ thông cần làm gì để con người giao tiếp với nhau. Con người khi giao tiếp trực tiếp cảm xúc hơn nhiều, mà trường học mất đi giao tiếp thì nguy hiểm”. Đồng tình với ông Hồng, PGS. TS Trần Minh Triết cho rằng công nghệ không thể thay thế người dạy, không thể tuyệt đối hoá bằng giảng dạy trực tuyến (online).
Chương trình học cũng là một vấn đề nóng bỏng khác được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm. PGS. TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đưa ra ý kiến rằng cần có sự liên kết đào tạo giữa các ngành, môn học với nhau. Cần phát triển phương pháp dạy cá thể hoá và chuyên biệt hoá cho từng nhóm học sinh khác nhau.

TS. Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Sài Gòn bày tỏ lo ngại về sự lạc hậu của chương trình dạy-học Tin học, khi mà học sinh các trường phổ thông ở Việt Nam hiện vẫn học Pascal, trong khi trên thế giới không còn dạy môn này nữa. Ông cho biết mình đã từng khuyến khích giáo viên dạy Tin học nên đổi chương trình nhưng không ai dám bởi nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật. Ông Bảo cho rằng cần có lộ trình và chính sách phù hợp với môn Công nghệ Thông tin và Ngoại ngữ. Ví dụ ở Nhật Bản, học sinh lớp 2 bắt đầu học Ngoại ngữ và lớp 4 bắt đầu học lập trình, cách dạy của họ khác mình. Họ xây dựng chương trình với những mô đun phù hợp lứa tuổi. Ông Bảo kiến nghị: “Chúng ta cần xem lại chương trình vì kiến thức chúng ta dạy đang rất cũ và đặc biệt là hai môn tiếng Anh và Tin học. Đây chính là hai chìa khoá để chúng ta mở “cánh cửa” công nghệ số”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM cũng chia sẻ: “Có ý kiến phê bình đến thời điểm này trường học vẫn dạy ngôn ngữ Pascal nhưng nói thật có những thời điểm chúng tôi giả bộ như không thấy, không biết để các trường được dạy chương trình mới. Nhưng dù bỏ qua nhưng trong văn bản vẫn phải phê bình các trường chứ không thể làm khác quy định của Bộ.”

Trước những băn khoăn của dư luận về trình độ giáo viên trường phổ thông hiện nay, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, ở Việt Nam cách kiểm tra đánh giá ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy học; giáo viên có tâm lý thi gì dạy nấy, học sinh muốn thi gì học nấy, nhất là ở bậc THPT. Hơn nữa, chính sách, chế độ cho giáo viên rất thấp khiến nhiều giáo viên giỏi dù yêu nghề vẫn phải bỏ ra ngoài dạy trường tư. Dẫn chứng cho luận điểm trên, PGS. TS Nguyễn Kim Hồng đưa ra số liệu từ một nghiên cứu mới đây cho thấy giáo viên tiểu học phải làm việc tương đương 175% số giờ lao động qui định, ở cấp THCS trên 150% và THPT trên 120%.

PGS. TS Kiều Phương Chi, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường Đại học Sài Gòn cho rằng với cách kiểm tra, đánh giá như này thì chương trình phổ thông mới không đạt yêu cầu. Hiện nay gần như chúng ta mới chỉ quan tâm tới chương trình và sách giáo khoa mà không quan tâm tới cách kiểm tra, đánh giá. Cần có kế hoạch ngắn và dài hạn về thay đổi kiểm tra, đánh giá.

“Khi nào không còn văn mẫu, học sinh không ngại nói khác những điều giáo viên truyền đạt thì giáo dục mới khác được. Nhiều người dám đưa con ra nước ngoài để chúng tự bơi, trong khi ở Việt Nam, chúng ta ngại, không dám cho các con tự bơi, trải nghiệm”, PGS. TS Phan Thanh Bình nói.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

Ảnh & Bài viết: Trung tâm Công nghệ Thông tin

2019-05-10T14:38:14+07:00 6/05/2019|News - Events, Tin Tức - Sự Kiện|