Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi”

::, Tin Tức - Sự Kiện::Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi”

Tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi”

TỌA ĐÀM “BẠO HÀNH TRẺ MẦM NON – VÌ ĐÂU NÊN NỖI!”

 

        Thời gian vừa qua, vụ việc các bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12, TPHCM đánh đập, hành hạ các bé chỉ từ 18 tháng đến 5 tuổi đã gây phẫn nộ trong dư luận những ngày vừa qua. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra chuyện bạo hành trẻ trong các cơ sở nuôi dạy mầm non tại TPHCM.
        Ngày 01/12/2017, Trường Đại học Sài Gòn đã phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm: “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi!” với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các cơ quan ban ngành liên quan về việc bạo hành trẻ trong các cơ sở nuôi dạy mầm non, nhằm tìm ra các giải pháp ngăn chặn việc bạo hành trẻ mầm non trong thời gian tới.

Ban Tổ chức tọa đàm cùng các vị khách mời

        Đến tham dự buổi tọa đàm có Ông Đỗ Hữu Tuyết – Vụ phó, đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, Thầy Hoàng Hữu Lượng – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn, Ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng Giáo dục quận 8, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan đại diện Báo Tiền Phong tại TP.HCM và đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban, giảng viên, sinh viên trường Đại học Sài Gòn.
        Chia sẻ về những vụ bạo hành vừa xảy ra thời gian qua, Thầy Hoàng Hữu Lượng – Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: “Việt Nam đã ký công ước về quyền trẻ em và đã có hiệu lực từ năm 1990. Điều đó khẳng định rằng đất nước ta đã quan tâm và ý thức việc bảo vệ trẻ từ rất sớm. Thế nhưng gần đây những vụ bạo hành trẻ mầm non có xu hướng gia tăng là một nỗi đau của toàn xã hội”.

Thầy Hoàng Hữu Lượng – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường chia sẻ tại tọa đàm

        Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: “Những hình ảnh đau lòng được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một thực tế là rất nhiều giáo viên mầm non bộc lộ sự bất lực của mình khi không có phương pháp sư phạm, không có tình yêu với con trẻ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các chuyên gia trao đổi về chủ đề ngăn chặn bạo hành trẻ mầm non

        TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Trưởng Khoa Giáo dục mầm non chia sẻ: “Trước đây trong quá trình đào tạo, trường cho sinh viên xuống cơ sở tiếp xúc thực tế ngay trong năm đầu tiên nhập học. Sau này, sinh viên thật sự tiếp xúc lâu với trường mầm non vào hai năm cuối. Hai năm đầu, các em cũng được xuống thực tế bộ môn nhưng rất ngắn ngủi nên chưa cảm nhận được mức độ phù hợp với nghề. Qua đây, trường cũng nghĩ tới việc sẽ tái cấu trúc lại chương trình để có khâu sàng lọc. Nếu để tới năm 3, các em mới nhận ra mình không phù hợp với nghề thì tiếc thời gian và công sức. Để chọn được những người tâm huyết với nghề, yêu trẻ ngay từ giai đoạn đầu vào trường, trường bổ sung phần kiểm tra quan điểm về giáo dục của các em, có thể chưa chính thống nhưng thể hiện phần nào đạo đức nghề nghiệp của các em sau này”.

        Buổi tọa đàm kết thúc thành công vào lúc 11g30 cùng ngày với hàng loạt câu hỏi, chia sẻ sôi nổi từ khách mời tham dự.

Tin bài: Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên
Ảnh: Tổng hợp

2017-12-05T01:27:08+07:00 5/12/2017|News - Events, Tin Tức - Sự Kiện|